Steinway & Sons - Từ điển Piano

Đăng bởi Admin Harmony
Thứ Tue,
13/07/2021

Steinway & Sons được thành lập năm 1853 tại New York City, cùng năm hãng C. Bechstein ra đời tại Berlin, Đức.

Logo Steinway & Sons

Steinway & Sons được thành lập năm 1853 tại New York City với một xưởng thứ hai được lập vào năm 1880 tại thành phố Hamburg, Đức. Cả hai xưởng Steinway vẫn đang sản xuất những cây piano Steinway cho tới ngày nay.

Heinrich Engelhard Steinweg, nhà chế tạo piano của thương hiệu Steinweg, di cư từ Đức sang Mỹ vào 1850 cùng gia đình. Một người con trai, Christian Friedrich Theodor Steinweg, thì ở lại Đức và tiếp tục sản xuất đàn thương hiệu Steinweg. Vào 1853 Heinrich thành lập Steinway & Sons. Xưởng đàn đầu tiên của ông là một tầng áp mái nhỏ ở đằng sau ngôi nhà 85 Varick Street tại Manhattan, New York City. Cây piano đầu tiên được sản xuất bởi Steinway & Sons được ghi số 483, bởi hãng Steinweg cho tới lúc đó đã sản xuất 482 cây piano. Chỉ một năm sau nhu cầu đặt hàng lớn tới mực công ty buộc chuyển tới một toà nhà lớn hơn tại 82-88 Walker Street. Vào năm 1864 gia đình ông Anh hoá cái họ của mình [từ tên Đức Steinweg] thành Steinway.

Tới thập niên 1860 Steinway đã dựng một xưởng và kho gỗ mới. 350 công nhân làm việc cho Steinway & Sons và xuất xưởng từ 500 tới 1.800 cây piano trong một năm. Đàn piano Steinway trải qua rất nhiều cải tiến nhờ các cách tân thực hiện tại cả xưởng Steinway và các xưởng khác của ngành piano, dựa trên các kỹ thuật và nghiên cứu khoa học mới, trong đó có những sự phát triển trong khoa âm học. Gần một nửa trong số 115 phát minh được cấp bằng sáng chế của công ty được phát triển bởi các thế hệ thứ nhất và thứ hai của gia đình Steinway. Chẳng bao lâu các piano của Steinway đã đoạt nhiều giải thưởng quan trọng tại các Hội chợ Triển lãm tại New York, Paris và London.

Năm 1864 con trai của Henry E. Steinway, William Steinway, xây dựng một chuỗi phòng trưng bày mới đầy tao nhã chứa hơn 100 cây piano tại East 14th Street. Hai năm sau ông trông nom việc xây dựng phòng hoà nhạc Steinway Hall ở đằng sau dãy phòng trưng bày. Phòng hoà nhạc Steinway Hall đầu tiên mở cửa vào năm 1886. Nó có hơn 2.000 chỗ ngồi và nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của đời sống văn hoá của New York, là nơi ngụ của hội New York Philharmonic suốt 20 năm kế, cho tới khi phòng hòa nhạc Carnegie Hall mở vào năm 1891. Những người đi nghe hoà nhạc buộc trước hết phải đi ngang qua các phòng trưng bày piano, điều này khiến doanh số bán đàn piano mới gia tăng hết sức đáng kể, lên tới 400 cây chỉ riêng năm 1867. William Steinway còn thiết lập ‘Concert & Artist’ department mà nay vẫn còn hoạt động. Xưởng Steinway bấy giờ toạ lạc tại 4th Avenue (nay là Park Avenue) và East 55th Street ở Manhattan.

Vào năm 1880 William Steinway thành lập một cộng đồng nghề, làng Steinway Village, ở khu Astoria của hạt Queens County, New York. Làng Steinway Village được xây dựng như một thành phố riêng của cộng đồng, bao gồm một xưởng mới, vẫn còn sử dụng đến ngày nay, cùng các xưởng đúc riêng của nó, bưu điện, các công viên và nhà ở cho nhân công. Steinway Village về sau trở thành một phần của Long Island City. Để đến với các khách hàng  u châu, những người muốn có các piano thương hiệu Steinway và tránh được các khoản thuế  u châu, William và Theodore thiết lập một xưởng mới ở thành German city của Hamburg vào năm 1880. Vào năm 1880 phòng hoà nhạc ‘Steinway-được thành lập tại Hamburg. Vào năm 1909 một ‘Steinway-Haus’ nữa được lập tại Berlin. Như vậy, vào thập niên 1990 Steinway đã thiết lập tại New York, London, Paris, Berlin và Hamburg.

Vào năm 1900 cả hai xưởng Steinway sản xuất hơn 3.500 piano mỗi năm, các đàn này được mua cho các phòng hoà nhạc, trường học, và gia đình trên toàn thế giới. Vào năm 1857, Steinway bắt đầu sản xuất một dòng piano có thùng đàn nghệ thuật sinh lợi cao, được thiết kế bởi các nghệ sĩ nổi danh, dòng đàn này trở nên phổ biến trong giới giàu có và danh tiếng. Trong thập niên 1920 Steinway bán tới 6.000 piano mỗi năm nhưng việc sản xuất piano bị sa sút sau cuộc Đại khủng hoảng năm 1929, và trong thời gian xảy ra cuộc Đại suy thoái Steinway sản xuất chỉ hơn 1.000 piano mỗi năm. Vào các năm giữa 1939 và Thế chiến thứ hai nhu cầu mua piano tăng trở lại.

Trong thời gian xảy Thế chiến thứ hai, xưởng Steinway ở New York đã chế tạo các tàu lướt bằng gỗ để chuyển vận các đoàn quân đằng sau các tuyến quân thù. Xưởng tại Hamburg, Đức, chế tạo rất ít piano và chưa tới 100 cây xuất xưởng mỗi năm. Trong những năm cuối cuộc chiến, xưởng Hamburg bị lệnh giao nộp tất cả số gỗ trong kho gỗ đã được phơi khô và xử lý của họ để phục vụ chiến tranh. Trong một cuộc không kích tại Hamburg, nhà máy chịu nhiều quả bom của Đồng minh và hầu như bị huỷ hoại.

Steinway hoàn thành việc hồi phục xưởng Hamburg với sự giúp đỡ từ Kế hoạch Marshall. Cuối cùng, sự phục hồi văn hoá sau chiến tranh đã làm bùng khởi nhu cầu giải trí và Steinway đã gia tăng lượng sản xuất tại cả hai xưởng New York và Hamburg từ 2.000 trong năm 1947 lên 4.000 cây piano mỗi năm trong thập niên 1960. Trong những năm thuộc thời kỳ Chiến tranh lạnh Steinway vẫn duy trì là một trong những sản phẩm hiếm hoi thuộc Thế giới Tự do được mua bán tại Liên bang Xô viết, và các cây piano Steinway đã hiện diện tại Bolshoi Theatre, Moscow Philharmonic Orchestra, Học viện âm nhạc Moscow, Học viện âm nhạc St. Petersburg và St. Petersburg Philharmonic Orchestra ở Leningrad, và tại các trường và các dàn giao hưởng khác tại Xô viết.

Năm 1972 một số vấn đề pháp lý liên quan thương hiệu Grotrian-Steinweg đã được giải quyết, nhưng một sự thiếu quyền lợi trong doanh nghiệp Steinway giữa một số thành viên gia đình Steinway dẫn tới việc hãng bị bán cho CBS, rồi vào 1985 hãng này lại bán nó cho một nhóm nhà đầu tư, Steinway Musical Properties Inc. Năm 1998 Steinway & Sons sản xuất cây đàn piano thứ 500.000 của họ. Cây đàn này được chế tạo bởi xưởng Steinway tại New York với sự tham gia của xưởng Hamburg. Năm 1995, Steinway Musical Properties, công ty mẹ của Steinway & Sons, sát nhập với Selmer Company và thành lập Steinway Musical Instruments, công ty mà đã thâu tóm hãng chế tạo sáo Emerson vào 1997, rồi nhà chế tạo bàn phím piano Kluger vào năm 1998 và Steinway Hall vào năm 1999. Công ty được kết hợp mới này lại thâu tóm thêm nhiều công ty nữa và từ 1996 Steinway Musical Instruments Inc giao dịch tại thị trường chứng khoán New York Stock Exchange dưới cái tên LVB (Ludwig van Beethoven).

Tới năm 2000 Steinway đã bán cây đàn piano thứ 550.000. Công ty được cập nhật và mở rộng sản xuất ở cả hai thương hiệu khác của nó, thương hiệu piano Boston và Essex. Thêm nhiều phòng trưng bày Steinway, salon và phòng hoà nhạc được mở trên khắp thế giới, đặc biệt là tại Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc. 

Steinway New York sản xuất đại dương cầm với 7 kích cỡ và piano đứng với 2 kích cỡ:
 
Đại dương cầm: S-155, M-170, L-179, O-180, A-188, B-211 và D-274 
Piano đứng: các model professional 1098 và K-52 
 
Steinway Hamburg sản xuất đại dương cầm với 7 kích cỡ và piano đứng với 2 kích cỡ : 
 
Đại dương cầm: S-155, M-170, O-180, A-188, B-211, C-277 and D-274 
Piano đứng: V-125 and K-132 

Nhiều nghệ sĩ dương cầm vĩ đại của quá khứ, mà Steinway gọi là ‘Những người bất tử’, và nhiều nghệ sĩ hòa nhạc ngày nay đã bày tỏ sự ưu ái của mình cho cây piano hoặc của New York hoặc của Hamburg. Vladimir Horowitz đã chơi một cây New York model D. Arthur Rubinstein ưa cây Hamburg model D hơn. Sergei Rachmaninoff sở hữu hai cây New York Steinway ở tòa nhà Beverly Hills của ông và một chiếc New York D ở ngôi nhà New York home của ông song ông chọn cây Hamburg D cho Villa Senar ở Switzerland của ông. Nhưng khác biệt giữa các cây New York Steinway và Hamburg Steinway ngày nay ít được lưu tâm hơn mặc dù một số khác biệt về hình thức bên ngoài được biết rộng rãi. Các model New York có một lớp hoàn tất (finish) bằng sơn mài bóng màu đen và các góc đàn vuông hoặc Sheraton. Các model Hamburg thì được phủ lớp hoàn thiện bằng polyester có độ bóng cao và có các góc đàn tròn.

Hiện nay 2.500 cây Steinway piano được sản xuất tại hãng New York hằng năm và 1.500 cây tại Hamburg. Sự phân chia tương đối thị trường cho hai khu vực là, New York Steinway cung ứng đàn của hãng này cho Bắc và Nam Mỹ, còn Hamburg Steinway cho phần còn lại của thế giới. Tại hầu hết mọi phòng trưng bày chính của Steinway trên toàn thế giới, ta đều có thể đặt hàng của cả hai hãng. Các hãng New York và Hamburg thường trao đổi các bộ phận đàn và công nghệ với nhau và các bộ phận Steinway của cả hai hãng đều có nguồn gốc từ cùng các nơi như nhau. Gỗ thích Canada được dùng làm vành, còn bảng cộng hưởng thì được làm bằng gỗ vân sam Sitka từ Alaska. Cả hai hãng sử dụng các thông số tương tự cho các bảng cộng hưởng. Gần đây Steinway đã tiếp quản các nhà cung cấp bàn phím và khung sắt nhằm duy trì chất lượng.

William Steinway đã ký kết với nghệ sĩ dương cầm Nga Anton Rubinstein hợp đồng lưu diễn tại Mỹ vào 1872, với 215 buổi hoà nhạc trong 239 ngày. Đó là một thắng lợi huy hoàng cho cả Rubinstein và Steinway & Sons. Về sau Ignacy Jan Paderewski chơi 107 buổi hoà nhạc trong 117 ngày xuyên Mỹ trên toa xe lửa cùng cây đại dương cầm hoà nhạc Steinway của ông.

Theo Steinway & Sons, 98% các nghệ sĩ dương cầm độc tấu đã chọn công diễn với cây Steinway trong mùa hòa nhạc Bắc Mỹ 2005-2006. Hầu hết các phòng hoà nhạc trên toàn thế giới có một cây D-274 và một số có cả hai cây New York và Hamburg D để thoả mãn phạm vi lớn hơn của các nghệ sĩ trình tấu. Ngày nay có hơn 1.300 nghệ sĩ và nhóm hòa nhạc được mang danh hiệu ‘nghệ sĩ Steinway’ nghĩa là họ được lựa chọn để trình tấu trên các piano Steinway. Mỗi nghệ sĩ hoặc nhóm mang danh hiệu này được sở hữu một chiếc Steinway mà không phải trả đồng nào. Họ được yêu cầu trình tấu độc quyền trên cây Steinway bất cứ nơi nào sẵn có đàn này. Các giải Gina Bachauer International Piano Competition và Van Cliburn International Piano Competition được Steinway tài trợ và độc quyền sử dụng các Steinway piano.

Vladimir Horowitz chơi bằng cây Steinway D riêng của ông ở tất cả buổi hoà nhạc. 

Van Cliburn có 9 cây New York và Hamburg D ở tòa nhà Dallas của ông.

Steinway model D-274 chứa hơn 12.000 bộ phận chi tiết mà khoảng một nửa trong số đó là thuộc bộ cơ piano, có nhiệm vụ truyền tác động của người nghệ sĩ từ phím đàn đến dây.

Glenn Gould chơi bằng cây Steinway D riêng của ông trong hầu hết cả bản ghi âm Bach, Mozart và Schoenberg của ông.

Một cây Steinway piano có khoảng 200 dây, một hoặc hai dây cho một nốt ở khu vực trầm và ba dây mỗi nốt cho khu giữa và cao.

52 phím trắng của Steinway piano được làm bằng ivorite thay cho ngà. 36 phím đen bằng gỗ mun hoặc vật liệu tổng hợp ebonite.

Mọi cây đàn Steinway đều được chế tạo với cùng các tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng mỗi cây Steinway khi hoàn thành đều có một khác biệt nhỏ về độ nhạy phím và âm sắc.

Chừng 79% trong tổng số 580.000 cây Steinway sản xuất hơn 150 năm qua vẫn còn sử dụng hiện nay. Những cây Steinway cổ hơn không ngừng được sửa chữa và phục hồi.

Steinway chế tạo chưa tới 1% tổng số piano đứng trên thế giới hằng năm và chừng 7% đại dương cầm toàn thế giới hằng năm và duy trì vị trí thứ sáu về sản lượng doanh số, sau các hãng Yamaha, Samick, Kawai, Pearl River và Young Chang.

115 bằng sáng chế của Steinway liên quan đến bộ cơ lặp lại, khung sắt cho đàn đứng và đại dương cầm, cải tiến bảng cộng hưởng (soundboard), gia cố khung sườn bản cộng hưởng (thiết kế này vẫn còn dùng đến ngày nay), cơ chế im lặng của bàn phím, thùng đại dương cầm (thiết kế này vẫn còn dùng đến ngày nay), máy uốn cong gỗ làm vành, ngựa cầu bảng cộng hưởng nhiều lớp, khung treble bell cho đại dương cầm, thùng đàn piano đứng với cánh xéo ra trước, khung dây và nắp trượt cho đàn piano đứng, và cân bằng phím đàn piano.

Dịch giả: Nhật Nguyệt

Biên tập: Nam Anh Thông

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: