(P2) Phương pháp luyện tập đàn piano - Nguyên lý và nguyên tắc nền tảng

Đăng bởi Admin Harmony
Thứ Wed,
07/07/2021

CHƯƠNG II

2.  Các Tư thế ngón - Finger Positions

Thư giãn các ngón tay, đặt bàn tay lên một mặt phẳng với tất cả các đầu ngón tựa lên mặt phẳng đó,  cổ tay có cùng độ cao với các khớp đốt ngón tay. Bàn tay và các ngón tay sẽ tạo hình một cái vòm. Tất cả các ngón tay đều cong vào.  Ngón tay cái nên hơi chúc xuống và gập nhẹ về hướng các ngón tay sao cho đốt cuối (đốt có móng tay) của ngón cái là song song với các ngón còn lại (khi nhìn từ trên xuống). Sự hơi gập vào phía trong này của ngón cái sẽ hữu ích khi chơi các hoà âm có các quãng dang rộng. Nó đặt đầu ngón cái song song với các phím và  giúp nó giảm rủi ro đánh nhầm các phím kế cận. Nó cũng định hướng ngón cái sao cho các cơ thích hợp sẽ được sử dụng khi nhấc và hạ ngón cái.

Các ngón tay co nhẹ, cong xuống  và  tiếp xúc với mặt phẳng với các góc xấp xỉ 45 độ. Tư thế khum này  cho phép các ngón tay chơi giữa các phím đen. Đầu ngón tay cái và các đầu ngón khác tạo thành tựa nửa hình cầu trên mặt phẳng. Nếu bạn làm điều này với cả hai bàn tay đặt cạnh nhau, thì hai móng của hai ngón cái sẽ đối diện nhau. Hãy sử dụng phần thịt của ngón cái mà ở ngay bên dưới móng cái để chơi, chứ không dùng  cái khớp nối giữa cái đốt có móng tay và đốt giữa. Ngón cái vốn đã ngắn, do đó, hãy chơi với đầu ngón của nó cho sự đồng đều tối đa với tất cả các ngón khác. Với các ngón khác, phần xương tiến rất sát phần da ở các đầu ngón. Ở phần thịt đệm đằng trước của đầu ngón (đối diện móng tay), thì thịt dày hơn. Chính phần thịt đệm đằng trước này nên tiếp xúc với các phím, chứ không phải là đầu ngón.

Đây là tư thế ngón lúc khởi đầu. Một khi bạn bắt đầu chơi, bạn có thể cần duỗi các ngón gần như thẳng, hoặc cong chúng nhiều hơn, tùy theo cái gì bạn đang chơi. Do đó, mặc dù người mới học phải học Tư thế ngón khum lý tưởng trên,  sự bám tuyệt đối vào một cấu hình cong/khum cố định là không đúng; vấn đề này sẽ được bàn thảo chi tiết muộn hơn, đặc biệt bởi vì tư thế ngón  khum có những bất tiện quan trọng.

3.  Độ cao của ghế và  khoảng cách từ ghế tới đàn

Độ cao thích hợp của ghế và khoảng cách thích hợp từ ghế tới cây đàn cũng là một vấn đề tuỳ thuộc sở thích cá nhân. Để chọn điểm khởi đầu tốt, hãy ngồi trên ghế với hai khuỷu tay ở hai bên hông và hai cánh tay hướng thẳng về phía cây đàn. Với hai bàn tay ở tư thế chơi, hai khuỷu tay bạn nên hơi thấp hơn độ cao của hai bàn tay,  xấp xỉ ngang với mặt các phím. Bây giờ hãy đặt hai bàn tay bạn lên các phím trắng -- khoảng cách từ đàn tới ghế (và vị trí ngồi) nên chỉnh sao cho hai khuỷu tay vừa rời thân bạn khi bạn di chuyển chúng hướng vào nhau. Đừng ngồi giữa tâm ghế, mà ngồi gần hơn mép trước của ghế để cho bạn có thể đặt bàn chân một cách vững vàng lên sàn hoặc các pedal. Độ cao ghế và vị trí ngồi là quan trọng nhất khi chơi các hợp âm với cường độ lớn. Vì vậy, có thể kiểm tra tư thế đã tốt hay chưa bằng cách chơi đồng thời, mạnh hết sức, hai hợp âm trên các phím đen. Hai hợp âm đó là C2#G2#C3# (5,2,1) cho tay trái và C5#G5#C6# (1,2,5) cho tay phải. Hãy nhấn xuống thật mạnh, hơi chồm người tới trước, với toàn bộ trọng lượng của hai cánh tay và hai vai, để tạo một âm sấm sét, uy lực.  Hãy chắc chắn rằng hai vai của bạn có vai trò. Những âm thanh lớn, đầy ấn tượng không thể được tạo chỉ bởi hai bàn tay và hai cẳng tay; lực đàn phải xuất phát từ  đôi vai và thân mình của bạn. Nếu thao tác này được thực hiện một cách thoải mái, thì  tư thế của ghế và của bạn hẳn là đã đúng. Trước đây, có một xu hướng của các thầy đặt học trò mình ngồi quá cao; hậu quả là,  độ cao chuẩn của các loại ghế cố định thường cao quá một hoặc hai inch (2.54cm), do vậy mà nó buộc các học trò này chơi bằng các đầu ngón tay của chúng hơn là các phần thịt đệm đầu ngón. Do vậy mà có một ghế có thể điều chỉnh độ cao là quan trọng.

 

Soạn giả: Chuan C. Chang (nhà khoa học)

Dịch giả: Nhật Nguyệt (thi sĩ)

Chia sẻ, sao chép vui lòng ghi rõ nguồn bài viết thuộc bản quyền Harmony Co., Ltd

 

 >>Xem tiếp:

Viết bình luận của bạn:
popup

Số lượng:

Tổng tiền: